Hóa đơn GTGT đầu vào kỳ nào kê khai kỳ đó sẽ là điều tuyệt vời nhất, nhưng cuộc sống vốn dĩ không hoàn hảo. Có những hóa đơn khai thuế vào quý sau, hoặc thậm chí năm tài chính sau thì được định khoản trên sổ kế toán ntn? Mời bạn đọc tham khảo.
1. Lý do hóa đơn đầu vào kê khai không đúng kỳ.
– Do sơ suất của kế toán, bỏ sót hóa đơn đầu vào, sau này mới phát hiện ra, kê khai vào kỳ phát hiện.
– Do đối tác đã gửi hóa đơn nhưng kế toán chưa nhận được do mất, thất lạc.
– Do nhân viên đi giao dịch đang giữ hóa đơn mà quên chưa chuyển cho kế toán.

2. Kê khai thuế hóa đơn bỏ sót như thế nào.
Khoản 8 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định:
Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.
Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.
Như vậy, các hóa đơn đầu vào chưa được kê khai thuế, kế toán được đưa vào kỳ kê khai phát hiện ra việc bỏ sót này, miễn là trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Lưu ý ở đây là công bố quyết định tại trụ sở người nộp thuế nhé. Nhiều cán bộ thuế có thể gửi quyết định kiểm tra trước cho DN qua email/zalo để DN biết mà chưa công bố quyết định kiểm tra, thì kế toán vẫn kê khai được nhé.
>> Xem thêm: Tính thuế GTGT và hạch toán thuế GTGT cho nhà thầu nước ngoài
3. Hạch toán các hóa đơn bỏ sót trên sổ kế toán như thế nào.
– Trường hợp 1: Hóa đơn bỏ sót được kê khai vào các kỳ sau, nhưng cùng trong năm tài chính.Các bạn hạch toán như bình thường.
– Trường hợp 2: Hóa đơn bỏ sót, được kê khai thuế vào năm tài chính sau. Có 2 cách xử lý như sau:
– Cách 1: Hạch toán giá trị hóa đơn, thuế VAT đầu vào như bình thường. Lúc này, sẽ bị lệch tiền thuế GTGT đầu vào được khấu trừ giữa tờ khai GTGT 4 quý trong năm với Tài khoản 133 trên BCTC. Các bạn lập 1 file excel danh sách các hóa đơn đầu vào đã hạch toán vào BCTC năm nay, khai thuế vào năm sau để giải trình với cơ quan thuế sau này. Với cách này, ưu điểm là phản ánh đúng bản chất nghiệp vụ của kế toán, tiền thuế GTGT được khấu trừ/còn phải nộp là căn cứ trên tờ khai thuế GTGT. Cơ quan thuế cũng dựa trên các tờ khai này để xác định nghĩa vụ thuế của DN, mà không căn cứ vào BCTC. Nhược điểm: Cần theo dõi file hóa đơn chưa kê khai. Nếu Giám đốc nhờ 1 người khác check lại BCTC của kế toán đã làm, có thể người này chưa có kinh nghiệm, họ thấy lệch tiền thuế GTGT đầu vào giữa TKT và BCTC và khẳng định kế toán làm sai, khi đó uy tín, thậm chí tiền lương/thưởng của bạn bị ảnh hưởng.
– Cách 2: Hạch toán giá trị hóa đơn như bình thường, tiền thuế GTGT không hạch toán vào tài khoản 133, hạch toán trên TK 1388. Tại quý nào kê khai hóa đơn đầu vào này, thì chuyển hạch toán từ TK 1388 sang TK 133. Làm như vậy, tài khoản 133 và tờ khai GTGT sẽ khớp tiền thuế đầu vào được khấu trừ. Ưu điểm: không thêm việc phải theo dõi hóa đơn bỏ sót vào file excel cho kế toán; tạo tâm lý an tâm cho người đọc BCTC thấy số liệu khớp với TKT. Nhược điểm: Không phản ánh đúng bản chất nghiệp vụ kế toán; TK 1388 là một khoản phải thu, tiền thuế là để khấu trừ, không phải là khoản phải thu, tạo ra sai lệch trên BCTC.
– Kế toán có thể lựa chọn 1 trong 2 cách trên để thực hiện, không sai, không bị phạt gì cả. Nếu là mình, mình sẽ chọn cách 1, hơi mất thời gian theo dõi một chút, nhưng mình đã có kinh nghiệm xử lý, giải trình số liệu nên vấn đề này khá nhẹ nhàng.
>> Xem thêm: HƯỚNG DẪN CÁCH HẠCH TOÁN KẾ TOÁN XÂY DỰNG CƠ BẢN DỞ DANG
4. Làm sao để hạn chế kê khai sót hóa đơn đầu vào.
– Thường xuyên kiểm tra tình hình công nợ, giục các đối tác gửi trả hóa đơn khi đã thực hiện xong công việc, trả tiền xong từng lần hoặc toàn bộ.
– Thường xuyên kiểm tra công nợ tạm ứng của nhân viên, đôn đốc nhân viên hoàn ứng đúng thời hạn, không để tạm ứng kéo dài.
– Thường xuyên kiểm tra email nhận hóa đơn của DN, để cập nhật hóa đơn, tránh bỏ sót hóa đơn. Nên dùng 1 email riêng chỉ để nhận hóa đơn của các đối tác gửi.
– Giám đốc thường chi tiêu, tiếp khách, xăng xe khá nhiều, nên gặp sếp hàng ngày nên hỏi xem sếp có giữ hóa đơn nào không thì chuyển cho kế toán.
– Hóa đơn đầu vào sắp xếp gọn gàng, khoa học, theo từng phân hệ hạch toán/từng tháng/quý. Hóa đơn nào đã kê khai thuế, có thể dùng bút chì viết lên mặt sau của tờ hóa đơn là kê khai tháng/quý mấy.
– Cuối mỗi quý, kiểm tra lại toàn bộ hóa đơn đầu vào, thực hiện các bước như trên để kê khai thuế đầy đủ
– Tại kỳ báo cáo thuế cuối cùng của năm: Tháng 12 hoặc Quý 4, cần đối chiếu lại tiền thuế ở tài khoản 133 với chỉ tiêu 24, 25 trên tờ khai thuế của các tháng/quý từ đầu năm, xem còn hóa đơn nào bỏ sót thì đưa vào T12 hoặc Q4 kê khai nốt, tránh để đến năm sau.
>> Xem thêm: CÁCH TÍNH THUẾ TNCN CHO LAO ĐỘNG ĐÃ VỀ NGHỈ HƯU RA SAO?
Chúc các bạn thành công!
——
DÙNG THỬ PHẦN MỀM KẾ TOÁN & BÁN HÀNG MAXV
**Phần mềm Kế toán tiện ích, kiểm soát tốt chứng từ và lên Báo cáo tài chính chuẩn xác. **Phần mềm Bán hàng quản lý hàng hóa hiệu quả |
![]() |
CÔNG TY CỔ PHẦN PHẦN MỀM MAXV VIỆT NAM
Hotline: 0382 325 225 — Tư vấn: 0862 325 225
Email: Softmaxv@gmail.com || Facebook: Phần Mềm Kế Toán Bán Hàng Maxv